Văn phòng: Phòng C12.04 nhà C12 tầng khu A Trường ĐH Mỏ - Địa chất
Địa chỉ: Số 18, phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 024.38383603
Email: quantridndc-dk@humg.edu.vn
Website: Bộ môn Quản trị doanh nghiệp Địa chất Dầu khí
1.Giới thiệu chung về lịch sử phát triển
Bộ môn Quản trị Doanh nghiệp Địa chất – Dầu khí có tiền thân từ tổ kinh tế Kinh tế mỏ -địa chất thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập năm 1965. Đến năm 1966, khi trường Đại học Mỏ - Địa chất ra đời, tổ kinh tế mỏ -địa chất được tách ra thành Bộ môn kinh tế Mỏ thuộc Khoa Mỏ của trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Năm 1987, tổ Kinh tế địa chất được tách ra thành Bộ môn Kinh tế Địa chất và Nguyên liệu khoáng thuộc Khoa Địa chất.
Năm 1995, Bộ môn Kinh tế Địa chất và Nguyên liệu khoáng thuộc khoa Địa chất lại được sát nhập với Bộ môn Kinh tế Mỏ thuộc Khoa Mỏ thành Bộ môn Kinh tế - Quản trị kinh doanh trực thuộc Ban Giám hiệu với 2 tổ chuyên môn là Kinh tế Mỏ và Kinh tế Địa chất để chuẩn bị lực lượng cho sự thành lập Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh sau này.
Trải qua quá trình phát triển, tháng 3 năm 2000, Bộ môn Kinh tế - Quản trị kinh doanh đã được trở thành khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh ngày nay. Cùng với sự ra đời của Khoa, các tổ chuyên môn được tách ra và phát triển thành các bộ môn. Và tên Bộ môn Quản trị Doanh nghiệp Địa chất – Dầu khí chính thức từ đây.
2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị
Khi mới thành lập chính thức (tháng 3 năm 2000) Bộ môn có 5 cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất nghèo nàn, chỉ có 1 phòng làm việc ở tầng 5 nhà B do PGS.TS. Nguyễn Đức Thành làm trưởng Bộ môn. Trải qua quá trình phát triển, đến nay Bộ môn có 7 cán bộ giảng dạy. Trong đó, về học hàm có 3 PGS (2 PGS đã về hưu), về học vị có 3 TS và 4 ThS (trong đó có 2 ThS đang làm NCS), về giới tính có 6 nam và 5 nữ. Ngoài việc tham gia giảng dạy chuyên môn tại Bộ môn, hiện nay, cán bộ của Bộ môn còn tham gia công tác quản lý cấp Khoa: Phó Trưởng khoa, Đảng ủy khoa, Nữ công khoa và cấp Trường như: Chủ tịch Công đoàn Trường, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường.
3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được
Bộ môn Quản trị Doanh nghiệp Địa chất – Dầu khí có nhiệm vụ đào tạo các kỹ sư Kinh tế - QTKD Địa chất, kỹ sư Kinh tế – QTKD Dầu khí ( tên văn bằng trước đây) và cử nhân QTKD Dầu khí, cử nhân QTKD ( tên văn bằng hiện nay). Hiện tại Bộ môn có chức năng đào tạo ba bậc: đào tạo đại học với văn bằng “Cử nhân QTKD Dầu khí”, “Cử nhân QTKD”, cùng với khoa Kinh tế - QTKD đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ Quản lý kinh tế. Ngoài ra, Bộ môn còn thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các hợp đồng kinh tế phục vụ sản xuất trong lĩnh vực kinh tế địa chất, kinh tế nguyên liệu khoáng, kinh tế môi trường, kinh tế dầu khí… và lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân.
Bộ môn đã xây dựng 2 chương trình đào tạo chuyên ngành là Quản trị kinh doanh dầu khí và Quản trị kinh doanh. Hiện tại Bộ môn vẫn đang trực tiếp quản lý cả 2 chuyên ngành này. Tính đến năm 2016, Bộ môn đã đào tạo được 26 khóa sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong đó gồm: 200 kỹ sư Kinh tế Địa chất – Nguyên liệu khoáng; 900 kỹ sư Kinh tế - QTKD Dầu khí, 780 cử nhân Quản trị Kinh doanh. Cùng với Khoa Kinh tế - QTKD đào tạo 24 khóa thạc sĩ với gần 1000 thạc sỹ và hơn 20 Tiến sĩ.
Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập theo hình thức tín chỉ, Bộ môn đã biên soạn 5 giáo trình cấp nhà xuất bản, 10 giáo trình cấp trường, 7 bài giảng cao học và tất cả các môn học còn lại đều đã có bài giảng. Đồng thời với giảng dạy, Bộ môn đã làm chủ trì và tham gia 2 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp nhà nước, 14 đề tài cấp Bộ, nhiều đề tài cấp Trường và hàng chục hợp đồng nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, tham gia hội nghị, hội thảo khoa học ngành Địa chất và Dầu khí, viết nhiều bài báo đăng trong các tạp chí ở trong nước và quốc tế. Hiện tại, cán bộ của Bộ môn đang tham gia 02 đề tài NCKH cấp Bộ và làm chủ trì 01 đề tài NCKH cấp cơ sở.
4. Mục tiêu chính và định hướng phát triển
Mục tiêu chung: Phát triển Bộ môn vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế nói chung và quản lý kinh tế gắn với lĩnh vực đặc thù của Mỏ - Địa chất và Dầu khí đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Các hướng chuyên sâu của Bộ môn: Phân tích kinh tế các dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Dầu khí…; Đánh giá kinh tế địa chất khoáng sản; Xác định hiệu quả kinh tế công nghệ mới trong địa chất, khai thác khoáng sản rắn, lỏng, khí; Tổ chức và kế hoạch sản xuất; Đánh giá hiệu quả kinh tế các biện pháp bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trong thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến và sử dụng; Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; Quàn trị nhân lực; kỹ thuật Marketing, cũng như các vấn đề mới trong kinh tế thị trường…
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ môn luôn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ giảng dạy bằng các hình thức động viên, tạo điều kiện để cán bộ có thời gian nâng cao trình độ ngoại ngữ để ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Đồng thời, Bộ môn luôn tìm kiếm các đề tài NCKH các cấp để cán bộ có điều kiện tham gia, tiếp cận với thực tiễn nhiều hơn nhất là đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ.
5. Các hình thức khen thưởng của tập thể và cá nhân trong đơn vị
Từ năm 2000 đến nay, tập thể Bộ môn được tặng 1 bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&DT và nhiều giấy khen cấp trường. Các cá nhân trong Bộ môn gồm: 1 người được tặng 1 Huân chương lao động hạng 3, 3 người được tặng bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ, 12 bằng khen của Bộ và cấp tương đương. Hàng năm đa số cán bộ giảng dạy đều đạt các danh hiệu “cán bộ giảng dạy giỏi”, “chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”...