Văn phòng: Phòng C12.05 nhà C12 tầng khu A Trường ĐH Mỏ - Địa chất
Địa chỉ: Số 18, phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 024.37550809
Email: quantridnmo@humg.edu.vn
Website: Bộ môn Quản trị doanh nghiệp mỏ
1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển
Bộ môn Quản trị doanh nghiệp mỏ có tiền thân là nhóm chuyên môn Kinh tế Mỏ, thuộc Khoa Kỹ sư kinh tế Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1966, khi Trường Đại học Mỏ- Địa chất được thành lập, Bộ môn Kinh tế Mỏ trở thành một Bộ môn trực thuộc Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (giai đoạn 1966 – 1995). Năm 1985 một bộ phận của Bộ môn (nhóm Kinh tế Địa chất) được chuyển sang Khoa Địa chất để thành lập Bộ môn Kinh tế Địa chất, năm 1995 được sáp nhập lại thành Bộ môn Kinh tế - Quản trị Doanh nghiệp trực thuộc Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Năm 2000 Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh được thành lập, Bộ môn được đổi tên là Bộ môn Quản trị Doanh nghiệp Mỏ, trực thuộc Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (KT-QTKD).
Bộ môn Quản trị Doanh nghiệp Mỏ hiện nay là một trong số các bộ môn chuyên ngành trong Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, phụ trách đào tạo chuyên ngành “Kinh tế - Quản trị doanh nghiệp mỏ”, hiện nay là ngành “Quản trị kinh doanh mỏ”. Bộ môn phối hợp cùng với Khoa KT-QTKD đào tạo các chuyên ngành KT-QTKD khác, và đào tạo trên đại học ngành Quản lý kinh tế. Thực hiện nghiên cứu khoa học chuyên sâu theo hướng kinh tế và quản trị kinh doanh hướng tới các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực KT-QTKD ngành công nghiệp mỏ.
2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị
Hiện nay, Bộ môn có 12 cán bộ nhân viên trong biên chế, trong đó có 1 Nhà giáo ưu tú (đã nghỉ hưu), 2 Phó Giáo sư (1 đã nghỉ hưu), 8 Giảng viên chính, 4 tiến sĩ, 3 Nghiên cứu sinh, 3 thạc sĩ. Ngoài số cán bộ trong biên chế, cho đến năm 2015 Bộ môn còn có sự tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học của một số cán bộ hợp đồng nguyên là CBGD của Bộ môn đã nghỉ hưu. Bên cạnh đó, Bộ môn còn ký hợp đồng thỉnh giảng với các chuyên gia của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp.
Hệ thống tổ chức các đoàn thể của Bộ môn gồm Công đoàn bộ môn (trực thuộc Công đoàn Khoa), chi bộ Đảng (thuộc Đảng ủy Khoa) và Chi đoàn Cán bộ giảng dạy Khoa.
Cơ cấu tổ chức của Bộ môn gồm 1 chủ nhiệm bộ môn, 2 phó chủ nhiệm, và tập thể các giảng viên và trợ giảng; các nhóm chuyên môn được hình thành theo nhu cầu đào tạo và phân công của Bộ môn...
3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được
Bộ môn Quản trị doanh nghiệp mỏ có chức năng đào tạo hệ đại học và cao học, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất. Bộ môn đã xây dựng được hệ thống các giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo, tài liệu hướng dẫn thực tập, đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế - Quản trị Doanh nghiệp Mỏ, cùng với Khoa KT-QTKD vận hành Phòng thực nghiệm Quản trị kinh doanh.
Tính đến năm 2016 Bộ môn đã đào tạo 46 khóa sinh viên đại học chuyên ngành Kinh tế mỏ (Sau này là Kinh tế - Quản trị doanh nghiệp mỏ và Quản trị kinh doanh mỏ) với trên 4500 sinh viên đã tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành của Bộ môn đào tạo luôn có chất lượng đáp ứng được những nhu cầu của sản xuất phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, đặc biệt là với ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản của nước ta. Bộ môn không chỉ đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp mỏ của Việt Nam mà còn góp phần đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp mỏ của nước bạn Lào ở cả bậc đại học và sau đại học. Trong đào tạo sau đại học, dưới sự phân công của Khoa KT-QTKD, các cán bộ trình độ cao của Bộ môn đã giảng dạy, hướng dẫn nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh. Hàng trăm học viên cao học chuyên ngành quản lý kinh tế đã bổ sung vào lực lượng lao động trình độ cao cho nền kinh tế nói chung, cho hoạt động khoáng sản nói riêng. Trong 10 năm trở lại đây, Bộ môn đã hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh, trong đó có một nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ luận án cấp cơ sở.
Bộ môn đã chủ trì thành công 5 đề tài NCKH cấp bộ, nhiều đề tài cấp cơ sở, thực hiện nhiều hợp đồng NCKH phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp mỏ. Hàng năm các cán bộ giảng dạy đều tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH và đạt các giải cấp trường đến giải Khuyến khích VIFOTECH.
Bộ môn cũng đã phối hợp với các cơ quan khác trong và ngoài nước về đào tạo và NCKH. Cùng với Khoa KT-QTKD, Bộ môn đã tham gia tổ chức thành công các Hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề “Các vấn đề quản lý kinh tế trong hoạt động khoáng sản” – EMMA trong các năm 2013, 2015 và 2016. Trong xu thế hội nhập quốc tế, Bộ môn đã mời các chuyên gia và các cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm ở các quốc gia có ngành công nghiệp mỏ phát triển như Đức và Úc sang giảng bài và chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ của Bộ môn. Bộ môn cũng đã từng bước gửi các cán bộ giảng dạy sang nghiên cứu ngắn hạn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm tại các trường Đại học có uy tín trong ngành mỏ tại Đức và Thái Lan.
Trải qua trên 50 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ môn Quản trị Doanh nghiệp Mỏ luôn xứng đáng là một đơn vị có truyền thống của Nhà trường, tạo dựng được uy tín với xã hội và với sản xuất.
4. Mục tiêu và định hướng phát triển
Trong những năm tới đây, ngoài hoạt động giảng dạy, bộ môn sẽ kiện toàn hệ thống bài giảng và nâng cấp thành các giáo trình cấp nhà xuất bản, tiếp tục hợp tác với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để xây dựng và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức và trao đổi kinh nghiệm. Bộ môn tăng cường hợp tác với các cơ sở sản xuất trong nghiên cứu khoa học các cấp, đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hội nhập của đất nước.
5. Các hình thức khen thưởng của tập thể và cá nhân trong đơn vị
Bộ môn đã được tặng thưởng 8 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 8 cán bộ của bộ môn đã được tặng bằng khen của Bộ hoặc UBNN tỉnh, thành phố với tổng số lượt người được khen tặng là 14. Hàng năm Bộ môn thường có 100% cán bộ giảng viên đạt danh hiệu thi đua lao động tiên tiến, trong đó một tỷ lệ lớn đạt tiêu chuẩn chiến sĩ thi đua các cấp.